02/11/2018
Trong chương trình làm việc của Phái đoàn Liên minh Châu Âu từ ngày 30 đến ngày 31 tháng 10 năm 2018 nhằm thúc đẩy tiến độ tình hình triển khai thực hiện Dự án Phát triển Năng lượng mặt trời (DSED) do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng là đơn vị thực hiện triển khai.
Sáng ngày 30 tháng 10 năm 2018, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đã báo cáo về tiến độ thực hiện các hoạt động dự án, tiến độ giải ngân và kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Sau đó, Ông Hạ Đình Trúc, chuyên gia tư vấn trình bày về tiến độ thực hiện hoạt động nghiên cứu về Khảo sát tiềm năng ứng dụng năng lượng mặt trời tại một số ngành công nghiệp được chọn. Ông Nguyễn Đình Phúc, chuyên gia tư vấn trình bày tiếp theo về hoạt động nghiên cứu xây dựng Sổ tay về đầu tư phát triển điện mặt trời lắp mái tại Việt Nam. Riêng đối với hoạt động này, phía EU và dự án DSED yêu cầu tư vấn hoàn thiện đề cương chi tiết, xây dựng các bước quy trình đầu tư dự án và tập trung làm sao thông tin dữ liệu thực tiễn và dễ tiếp cận.
Hình ảnh 1- Chương trình làm việc báo cáo tiến độ dự án sáng ngày 30/10/2018
Tiếp theo chương trình là lịch làm việc của Phái đoàn Liên minh Châu Âu với Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng để trao đổi về chương trình hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng cũng như báo cáo tiến độ thực hiện dự án DSED.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng có buổi tiếp bà Cecile Leroy – Quản lý Chương trình năng lượng của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam về tiến độ thực hiện Dự án Phát triển Năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng (DSED).
Hình ảnh 2- Uỷ Ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp đoàn
Tại buổi tiếp, bà Cecile Leroy – Quản lý Chương trình năng lượng của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của các sở ngành, địa phương trong việc xây dựng dữ liệu ứng dụng năng lượng mặt trời trong một số ngành công nghiệp; hướng dẫn đầu tư điện mặt trời lắp mái tại Việt Nam, hình thành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho thiết bị năng lượng mặt trời. Dự án Phát triển Năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018 – 2019 với nhiều hoạt động tham vấn, rà soát nội dung sản phẩm và hoàn thành cơ sở dữ liệu, bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời; thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các cơ sở công cộng, hộ gia đình... Bà Cecile Leroy hy vọng sau khi dự án hoàn thành, Đà Nẵng sẽ trở thành mô hình tiêu biểu, điển hình để nhân rộng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo tại các địa phương khác; đồng thời mong muốn các đơn vị sở ngành địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tổ chức buổi họp tham vấn về phương pháp luận, xây dựng cơ sở dữ liệu và khung phần mền ứng dụng năng lượng mặt trời cho thành phố Đà Nẵng do nhóm tư vấn Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia xây dựng cơ sở dữ liệu kiêm trưởng nhóm và Ông Trần Hùng, chuyên gia hệ thống không gian địa lý (GIS).
Đến dự buổi họp tham vấn có sự tham gia của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Công ty Điện lực Đà Nẵng, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Solar BK và Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và các chuyên gia năng lượng. Nhóm tư vấn trình bày về kết quả thực hiện ban đầu trong đó tập trung nói dung trình bày về: mục đích, phương pháp luận, cơ sở dữ liệu tiến hành thu thập, công thức tính toán đánh giá tiềm năng kinh tế, kỹ thuật và khung phần mền ứng dụng bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời cho thành phố Đà Nẵng.
Hình ảnh 3- Buổi họp tham vấn với các bên liên quan
Những nội dung góp ý trong đó tập trung chủ yếu vào việc xác định đối tượng người sử dụng cuối cùng khi tiếp cận thông tin, công thức tính toán tiềm năng kỹ thuật và kinh tế, vấn đề đấu nối đối với các dự án điện mặt trời và các nội dung liên quan. Buổi họp diễn ra với rất nhiều ý kiến tham vấn và những đóng góp có giá trị để giúp tư vấn hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
Sau chương trình họp tham vấn, EU thăm quan phòng trưng bày để khảo sát, kiểm tra và trao đổi thêm về ý tưởng truyển thông, quảng bá dự án DSED.
Hình ảnh 4- Thăm hiện trạng Phòng trưng bày thiết bị năng lượng tái tạo
Tiếp theo chương trình, sáng ngày 31 tháng 10 năm 2018, Phái đoàn Liên minh Châu Âu đã đến thăm hộ gia đình và cơ sở công cộng được chọn tham gia Hợp phần 2 của Dự án DSED.
Hình ảnh 5- Thăm hộ gia đình chủ hộ Nguyễn Phước Quế
Sau khi trao đổi và tìm hiểu thông tin mà chủ hộ tiếp cận để tham gia Dự án DSED, chủ họ mong muốn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm chi phí tiền điện trung bình hàng tháng hơn 1 triệu đồng. Ngoài ra, chủ hộ mong muốn nhân rộng mô hình lắp đặt cho hàng xóm trong khu.
Đoàn công tác tiếp tục đến thăm Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng và Trường THCS Hoàng Diệu, đây là hai trong số bốn đơn vị công được Dự án hỗ trợ để lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Hình ảnh 6- Thăm và làm việc với Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng
Bệnh viện Ung Bưới Đà Nẵng đánh giá cao sự hỗ trợ của dự án DSED do EU tài trợ sẽ là mô hình điển hình để từ đó bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư mạnh dạn hơn trong tương lai, phù hợp với chủ trương của bệnh viện về việc tiết kiệm năng lượng và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Cuối chương trình làm việc buổi sáng là chuyến thăm Trường THCS Hoàng Diệu, đây là ngôi trường rất tích cực thực hiện và triển khai chủ trương của Quận Thanh Khê về giữ gìn môi trường sạch đẹp, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giáo dục.
Hình ảnh 6- Thăm và làm việc với Trường THCS Hoàng Diệu.
Buổi chiều ngày 31/10/2018, Phái đoàn Liên minh Châu Âu có buổi làm việc với Ông Thái Bá Cảnh, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng để trao đổi cụ thể hơn về tiến độ dự án và nguồn vốn đối ứng đối với dự án này.
Hình ảnh 7- Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng tiếp đoàn công tác
Trong buổi làm việc, Ông Thái Bá Cảnh yêu cầu trong quá trình thực hiện dự án DSED nếu có bất kỳ vướng mắc hay khó khăn cần thông báo để ông chỉ đạo thực hiện. Về nguồn vốn đối ứng phía Đà Nẵng cam kết đối ứng. Ngoài ra, ông chỉ đạo cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông của dự án để nhân rộng hơn nữa thông tin và hoạt động của dự án.
Có thể nói chuyến công tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu đã thành công tốt đẹp và ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của phía Dự án.
N.T.T