18/05/2023
Đến dự có ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng; Ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ – Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng – Sở Công thương Đà Nẵng; PGS.TS Trần Thanh Sơn – Chuyên gia Đại học Bách Khoa Đà Nẵng; Cùng đại diện đến từ các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cung ứng thiết bị giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu khai mạc, Ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở cho biết Hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt thêm nhiều thông tin liên quan và các chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả, đổi mới công nghệ và các công nghệ mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội kết nối giữa các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cung ứng thiết bị giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, Th.S Đinh Hữu Tuyến - Phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết từ năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ, kể cả hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Nhiều cơ hội tiếp cận chính sách (hỗ trợ tiết kiệm năng lượng) cũng đã mở ra hướng đi tích cực cho doanh nghiệp, trên nhiều mặt.
Đơn cử như Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 8/11/2016 và Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 về hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ, đối tượng được xem xét hỗ trợ gồm doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn, kể cả mô hình doanh nghiệp hợp tác xã; Tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, hay nghiên cứu công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; giải mã công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, cải tiến công nghệ thực hiện chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả giải mã công nghệ;Tổchức thực hiện ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ có hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ.
Đặc biệt, thành phố còn có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ (độc lập), với mức hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí quyết công nghệ. Theo quy định, sẽ không giới hạn số dự án hỗ trợ (trên địa bàn) và mức hỗ trợ tối đa, có thể lên đến 3 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm. Đâycũng là mức hỗ trợ tối đa, giúp doanh nghiệp mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tính từ năm 2017 đến 2023, tổng ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng cho 63 dự án. Trong đó, có các dự án nghiên cứu chế tạo thiết bị công nghệ, hay đầu tư lắp đặt máy móc thiết bị doanh nghiệp. Cácsản phẩm nhận được hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã thực sự nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hầu hết đều góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ điển hình như: Côngty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty Cổ phần Điện Trường Giang, Công ty cổ phần Công nghệ QCM, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Điện Tuấn Huy, Công ty Cổ phần Công nghệ Đức Huy, Công ty Cổ phần Kim Cương Kính, Công ty Cổ phần Nhôm kính Nam Ân, Công ty TNHH SX&TM Minh Thịnh Lợi, Công ty TNHH SX&TM Toàn Gia Phú. Gần đây nhất, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành hỗ trợ 670 triệu đồng mua thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ cho dự án “Hệ thống cân hóa chất tự động” của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tổ chức các hoạt kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ trong quá trình hoạt động, sản xuất. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang tiến hành rà soát và tham mưu cho UBND thành phố xem xét, chỉnh sửa bổ sung nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố còn quyết định, dành một phần ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ thành phố để hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Đây cũng là chính sách thiết thực khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố Đà Nẵng.
“Theo Nghị quyết số 328/2020/NĐ-HĐND của HĐND thành phố về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã thực hiện hỗ trợ trả tiền công lao động (nhiệm vụ khoa học và công nghệ), hỗ trợ sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không quá 80 triệu đồng/doanh nghiệp cũng như cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến, sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ.” Th.S Đinh Hữu Tuyến chia sẻ.
Xuyên suốt Hội thảo, đại biểu đã được nghe tham luận về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và cơ hội tiếp cận chính sách đối với lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; Tiết kiệm năng lượng – chia sẻ từ góc nhìn trong công tác quản lý; Giới thiệu các hoạt động hỗ trợ tiết kiệm năng lượng của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho các đơn vị/doanh nghiệp tại Đà Nẵng trong năm 2023; Đại diện của các đơn vị cung ứng thiết bị giải pháp tiết kiệm năng lượng như Công ty CP Năng lượng Hoàng Đạo, Công ty TNHH Mun Hean, Công ty Cp bóng đèn điện phích nước Rạng Đông, Chi nhánh công trình Viettel Đà Nẵng, Công ty TNHH Ewater Engineering đã trình bày về công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng và trưng bày các thiết bị tại Hội thảo.
Qua Hội thảo, các doanh nghiệp có thêm thông tin, kiến thức trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tổn thất trong sản xuất; tăng cường tối đa công tác quản trị, đổi mới công nghệ tối ưu dây chuyền sản xuất; triển khai đo đạc và đánh giá lại thực trạng sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu cũng như tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong việc sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu. Từ đó, đề xuất, tham mưu và triển khai giải pháp nhằm tối ưu quá trình sử dụng năng lượng mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh.