19/07/2017
1. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại thành phố Đà Nẵng
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đánh giá là thành phố có nền kinh tế năng động. Đà Nẵng có mức tăng trưởng kinh tế liên tục và ổn định gắn liền với các mặt tiến bộ về đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển, đô thị được chỉnh trang. Tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố trong giai đoạn 2006-2010 đạt trung bình 11% và tính cả năm 2015 tốc độ tăng trưởng đạt 9,8%.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP của Đà Nẵng trong giai đoạn vừa qua
(Nguồn: Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng và niên giám thống kê)
Nền kinh tế thành phố đang phát triển đa ngành nghề với một số ngành trọng điểm như dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, chế biến thủy sản… Đi đôi với sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua là việc kéo theo tăng nhanh nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn thành phố, đặt biệt là tiêu thụ điện năng. Tính đến cuối tháng 12 năm 2016 điện thương phẩm toàn thành phố đạt 2.525,014 triệu kWh, tăng 12% so với năm 2015; trong đó, điện cấp cho công nghiệp, xây dựng là 1.194,375 triệu kWh chiếm 47,30%; quản lý và tiêu dùng dân cư là 834,416 triệu kWh chiếm 35,32%; thương mại, khách sạn, nhà hàng là 358,026 triệu kWh chiếm 11,07%; nông lâm, thủy sản là 2,513 triệu kWh chiếm 0,10%; bộ phận khác là 135,682 triệu kWh chiếm 5,29%. Biểu đồ về nhu cầu và tỉ lệ sử dụng năng lượng của các nhóm ngành được thể hiện như hình 1 dưới đây.

Hình 2: Nhu cầu sử dụng điện của các nhóm ngành tại thành phố Đà Nẵng
giai đoạn 2010 – 2016 (Nguồn: Sở Công Thương Đà Nẵng )
Biểu đồ trên cho thấy sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu tiêu thụ điện qua giai đoạn 2010 - 2016, đặc biệt là ngành công nghiệp và nhóm khách sạn, nhà hàng, tòa nhà,... Đây là hai trong số nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng ổn định và đóng góp lớn vào tổng GDP của thành phố. Nhóm ngành khách sạn, nhà hàng có tiềm năng phát triển mạnh theo định hướng xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố du lịch và dịch vụ. Nhóm ngành công nghiệp đang có hướng đi mới đầy tiềm năng theo đa lĩnh vực, đa ngành.
Theo dự án DaCliMB, đối với nhóm công trình, khách sạn, dự báo điện tiêu thụ năm 2020 sẽ tăng gấp 2,5 lần so với mốc 2012 và đến 2025, điện tiêu thụ sẽ dự báo tăng thêm 31% so với năm 2020 nếu không có các giải pháp then chốt và phù hợp. Trong đó, khách sạn và trung tâm thương mại chiếm đến 70% tổng tiêu thụ điện năng của nhóm này. Trong giai đoạn 2017 – 2022, nhóm ngành khách sạn, nhà hàng, ... phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 26% vào năm 2022. Phát triển du lịch Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần chuyển dịch theo hướng cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu ngành du lịch năm 2022 đạt hơn 3.890 tỷ đồng. Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí. Trong đó, Đà Nẵng định hướng tập trung phát triển nhóm khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng từ 04-05 sao trở lên. Tăng cường đầu tư, xây dựng khu du lịch Bà Nà và vùng phụ cận trở thành khu nghỉ dưỡng núi đặc trưng, riêng có của thành phố. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vùng Sơn Trà, Hải Vân, Đồng Nghệ - Phước Nhơn kết hợp với vùng Bạch Mã, Cù Lao Chàm tạo thành liên vùng du lịch sinh thái đa dạng và đặc sắc.
Đối với nhóm ngành sản xuất công nghiệp, điện tiêu thụ chiếm 47,3% tổng điện năng sử dụng của Thành phố. Tính riêng năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2015. Trong đó, ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò chủ đạo của nền công nghiệp thành phố: sản xuất ô tô du lịch tăng 65,3%, sản xuất cấu kiện kim loại tăng 46,3%, sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 43,8%, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao tăng 27%, sản xuất săm lốp cao su tăng 25,8%, sản xuất sản phẩm điện tử-máy vi tính tăng 16,8%. Năm 2016, thành phố đã thu hút được 18 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp mới vào các khu công nghiệp, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, tập trung trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, hóa chất, chế biến thực phẩm…; trong đó có 06 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên đến 11 triệu USD và 12 dự án trong nước có tổng vốn đăng ký khoảng 380 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 08 dự án tăng vốn với số vốn 110 tỷ đồng và gần 05 triệu USD. Khu công nghệ cao Đà Nẵng thu hút thêm 01 dự án đầu tư sản xuất dược phẩm của Công ty Cổ phần Dược Danapha với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2017-2022 tiếp theo, Đà Nẵng định hướng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, điện tử, lốp ô tô, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, tự động hoá, các máy CNC, cấu kiện kim loại, sản phẩm sau hóa dầu, thủy sản chế biến, bia...Tỉ trọng đóng góp trong cơ cấu kinh tế thành phố của ngành công nghiệp – xây dựng tính đến năm 2022 sẽ đạt hơn mức 42,8%.
Như vậy, các nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ, khách sạn, các tòa nhà… sẽ tiếp tục là những nhóm ngành kinh tế trọng điểm với tiềm năng phát triển to lớn và dự báo cũng là nhóm có nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn trong giai đoạn 2017-2022 tiếp theo. Bên cạnh đó, nhóm quản lý tiêu dùng dân cư, đơn vị công…cũng đang có xu hướng tăng dần nhu cầu và tỉ trọng sử dụng năng lượng. Do đó, bên cạnh các cơ hội phát triển, thành phố đã và đang đối mặt với những thách thức mới trong đó bao gồm cả vấn đề an ninh năng lượng nhằm phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, thành phố cần có các chương trình, dự án,…phong phú, đa dạng, thiết thực hơn về hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và ứng dụng các nguồn năng lượng khác tại địa phương.
2. Một số hoạt động thúc đẩy sử đụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 – 2015
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đảm an ninh năng lượng trong xu thế phát triển kinh tế, qua 5 năm thực hiện Đề án Sử dụng năng lượng tiết kiệm và Ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015 cùng các hoạt động, chương trình khác,…, thành phố Đà Nẵng đã thúc đẩy mạnh mẽ, có hiệu quả công tác tuyên truyền và triển khai được 06 chương trình trọng điểm vượt kế hoạch đề ra: Tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp trọng điểm; Tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà, khách sạn; Tiết kiệm điện cho chiếu sáng công cộng; Tiết kiệm năng lượng cho các cơ quan, đơn vị công ích; Chiếu sáng học đường hiệu suất cao và Tiết kiệm năng lượng trong trường học; Nghiên cứu, ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo. Dưới đây là kết quả tóm lượt về những nội dung đã đạt được từ Đề án trong giai đoạn 2011 – 2015 vừa qua.
Đề án đã tổ chức hơn 06 hội thảo tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và ứng dụng năng lượng tái tạo cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đối với hoạt động hỗ trợ Doanh nghiệp, qua 05 năm thực hiện, Đề án đã thực hiện kiểm toán năng lượng tại 11 doanh nghiệp sản xuất và khách sạn. Thông qua hoạt động này, các đơn vị thụ hưởng đã có cơ hội nhìn nhận lại quá trình vận hành và quản lý các thiết bị sử dụng năng lượng và dây chuyền sản xuất cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, vận hành tại đơn vị. Với tổng số 56 giải pháp được đề xuất tại 11 doanh nghiệp, các đơn vị tham gia Đề án có thể tiết kiệm lên đến 3,669 tỷ đồng (tiết kiệm 1.523.864 kWh điện, 720 lít dầu DO, 338 kg Gas LPG, 8.192 kg than). Cũng thông qua Đề án, đường cơ sở tiêu thụ điện cho nhóm ngành dệt may trên địa bàn thành phố và hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 cho tại Nhà máy giáy Tân Long cũng đã xây dựng thành công và mạng lại một số hiệu quả nhất định trong công tác quản lý quá trình sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp cũng như đơn vị quản lý. Ngoài ra, Đề án còn hỗ trợ 03 doanh nghiệp triển khai 03 mô hình tiết kiệm năng lượng với tổng lượng điện tiết kiệm lên đến 10.826 kWh/năm nhằm mục đích tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất sản xuất.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố, bên cạnh tranh thủ vận động các nguồn kinh phí từ trung ương đến trong và ngoài nước thì Đề án cũng đã tổ chức hội thảo giới thiệu, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ lắp đặt 04 hệ thống cung cấp nước nóng năng lượng cho hoạt động nấu ăn và vệ sinh các học sinh tại 04 trường mẫu giáo và 01 hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm phục vụ công tác sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Đại La, Hòa Sơn và lắp đặt 01 hệ thống đèn sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại đường ven biển,..
Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần nâng cao hiệu quả chiếu sáng tại các trường mầm non đặt biệt là khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Sau 05 năm thực hiên, Đề án đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng học đường huỳnh quang 3 phổ tiết kiệm năng lượng và chống cận thị bảo vệ mắt cho các em học sinh tại 09 trường với tổng số đèn được lắp đặt là 531 bộ cho 37 lớp học.
Với các kết quả đạt được, Đề án đã được đánh giá đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng và ứng dụng năng lượng tái tạo, nhất là nội dung thực hiện tại doanh nghiệp sản xuất, khách sạn và đã góp phần giảm tiêu thụ điện, giảm chi phí sản xuất cho các đơn vị tham gia Đề án.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng tại thành phố Đà Nẵng trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng nói chung và điện năng nói riêng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặt biệt là các nhóm ngành công nghiệp, tòa nhà khách sạn, chiếu sáng công cộng,…Do đó, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần phát triển bền vững nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng tại Thành phố. Ngoài ra, việc xây dựng Đề án Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là cần thiết nhằm đưa Quyết định 4254/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết đại hội lần thứ XXI Đảng bộ Thành phố và Văn bản số 112/BCT-TCNL ngày 06/01/2016 của Bộ Công Thương đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cụ thể và sâu rộng.
3. Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017- 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Nằm tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và định hướng các hoạt động triển khai mới trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn mới, Đà Nẵng đã ban hành Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 13 tháng 04 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đề án này do Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng chủ trì. Trong đó, Đề án trong giai đoạn mới tập trung vào 04 lĩnh vực trọng tâm mang tính chiến lược.
a. Chương trình 1 “Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, tòa nhà” . Đây là chương trình được xây dựng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo, bản tin, ...nhằm khuyến khích các khách sạn, tòa nhà nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm triển khai hoạt động TKNL. Kết hợp giữa việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ các tòa nhà, khách sạn và resort trong việc đo, đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng và tư vấn, đề xuất giải pháp, công nghệ và thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, giai đoạn tiếp theo sẽ định hướng khảo sát, xây dựng và cập nhập định mức hiệu quả năng lượng đối với từng nhóm công trình, khách sạn. Trong đó, tập trung tư vấn, cung cấp thông tin về vấn đề ứng dụng các nguồn NLTT (năng lượng mặt trời,…) và ứng dụng công nghệ thông tin, điều khiển vào quá trình vận hành các công trình (như Smart home, BMS, SCADA …). Song song là hoạt động hỗ trợ triển khai các dự án, mô hình TKNL đối với các tòa nhà, khách sạn và resort nhằm tạo cơ sở đánh giá tình hiệu quả và tăng tính thuyết phục trong công tác tuyên truyền.
b. Chương trình 2 là“Phát triển nguồn năng lượng tái tạo”. Đề án sẽ tập trung thúc đẩy các đề tài nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ năng lượng mặt trời vào sản xuất và sinh hoạt đời sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kết hợp và vận động sự hợp tác từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước về đo lường, đánh giá chi tiết về tiềm năng NLMT tạo cơ sở hoạt định triển khai có hiệu quả các mô hình về sử dụng NLMT trong cộng đồng. Đặt biệt là xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án ứng dụng NLTT nhằm cung cấp điện và nhiệt cho cụm dân cư, điện cho hộ gia đình đơn lẻ, cung cấp nhiệt cho sản xuất, chế biến nông-lâm-thuỷ sản, cho đun nấu hộ gia đình. Ngoài các hoạt động trên thì Đề án sẽ triển khai các hội thảo giới thiệu, tuyên tuyền, khuyến khích và tư vấn thông tin, kỹ thuật về ứng dụng các hệ thống NLMT trong sản xuất và sinh hoạt xã hội nhằm kết nối đơn vị cung ứng thiết bị với các đơn vị sử dụng...
c. Chương trình 3“Tiết kiệm năng lượng cho ngành sản xuất công nghiệp” là chương trình được đề xuất nhằm tập trung triển khai các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong đó tập trung vào một số hoạt động chính như: khảo sát đánh giá hiện trạng các thiết bị sử dụng năng lượng và đề xuất các giải pháp TKNL khả thi thông qua hoạt động kiểm toán năng lượng. Bên cạnh hoạt động định hướng hỗ trợ tư vấn và đánh giá hiện trạng quản lý năng lượng tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp theo ISO 50001 hay các hệ thống tương tự, Đề án có kế hoạch tổ chức các hội thảo, tuyên truyền và tư vấn thông tin về các thiết bị, giải pháp TKNL mới và hiệu năng cao.... giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; Ngoài ra, việc xây dựng đường cơ sở tiêu thụ năng lượng một số ngành sản xuất công nghiệp trọng tâm là cần thiết và đây là cơ sở thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, giám sát, kiểm tra hoạt động thúc đẩy TKNL tại doanh nghiệp. Đối với mô hình, giải pháp tiết kiệm năng lượng mới, hiệu quả cao cũng sẽ được xem xét hợp tác, hỗ trợ trong quá trình thực hiện các giải pháp, mô hình…
d. Chương trình “Sử dụng năng lượng hiệu quả trong chiếu sáng đô thị” là hoạt động tư vấn kiểm toán năng lượng các hệ thống chiếu sáng tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố. Thành phố sẽ tập trung khuyến khích triển khai thí điểm các mô hình, giải pháp nhằm tiết kiệm điện trong chiếu sáng giao thông đô thị bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống quản lý trung tâm (từ xa) mới nhằm nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát và vận hành. Kết hợp chiếu sáng công cộng bằng điện truyền thống với hệ thống chiếu sáng ứng dụng NLTT trong chiếu sáng đường phố, phục vụ người dân nhằm tăng mỹ quan đô thị của Đà Nẵng, đặt biệt các khu vực du lịch, vùng sâu vùng xa…
4. Kết luận:
Để Đà Nẵng xứng đáng là một thành phố du lịch, xanh – sạch và là một nền kinh tế năng động thì việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với hoạch định một cách có hệ thống và bền vững việc đảm bảo an ninh năng lượng thông qua sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, việc thực hiện hành Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là cần thiết. Nhằm đạt được mục tiêu, nội dung với hiệu cao nhất, Đề án nhất thiết cần có sự tham gia tích cực và đồng bộ từ chủ trương chính sách của UBND thành phố, các sở, ban ngành… đến các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh, các tổ chức đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Phạm Phú Thanh Sơn